CÁC BẠN CÓ THỂ TRAO ĐỔI KẾ HOẠCH HÀNH TRÌNH VỚI TÔI!
1.Khái quát Thánh địa Mỹ Sơn
Từ năm 192 đến năm 1832 trong khoảng 1600 năm tồn tại Vương quốc Champa đã để lại biết bao công trình kiến trúc kì vĩ dọc khắp miền Trung Việt Nam, nói đến Champa là nói đến những ngọn Tháp Chàm cổ kính, rêu phong đầy bí ẩn, bí ẩn từ phong thái kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng và cả chất kết dính tạo nên những khối tháp hùng vĩ.
Trong các đền đài kiến trúc kì vĩ ấy phải nói đến Thánh địa Mỹ Sơn, Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Tp. Đà Nẵng 69km, cách thị xã Hội An 42km và cách thành cổ Simhapura-Trà Kiệu 30km.
Thánh địa Mỹ Sơn là tổ hợp gồm nhiều đền đài của vương quốc Champa được xây dựng liên tục qua nhiều thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ thứ IV và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII trong vùng tiểu quốc Champa là Amaravati, Mỹ Sơn nằm lọt trong một thung lũng nhỏ có đường kính khoảng 2km, được bao quanh bởi núi đồi, chỉ có một lối vào duy nhất là con đường độc đạo nằm giữa hai quả đồi và một con suối chắn ngang trước mặt con đường vào thung lũng.
Đầu năm 1895 thánh địa Mỹ Sơn được nhà khoa học người Pháp là ông M.C.Paris phát hiện ra. Mười năm sau các nhà khoa học mới bắt đầu thực hiện cuộc phát quang, nghiên cứu khu di tích này. Suốt 40 năm đầu thế kỷ XX Mỹ Sơn đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học Pháp.
Năm 1999, tại phiên họp lần thứ 23, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.[1]
Tháp C1 Mỹ Sơn
2.Mỹ Sơn trong dòng lịch sử vương quốc Champa
Đối với vương quốc Champa cổ xưa thánh địa Mỹ Sơn là vùng đất linh thiêng, vùng đất của thần linh tối thượng, vùng đất bất khả xâm phạm đối với các vua chúa và hoàng tộc Champa, mỗi niên đại trị vì của các vua chúa Champa thì mỗi đền thờ được dựng lên để chứng minh cho thế giới quan tâm linh rằng họ là chủ của Vương quốc và có trách nhiệm thờ phụng và bảo vệ sự an toàn cho vùng thánh địa Mỹ Sơn.
2.1 Vua Bhadravarman người sáng lập ra Mỹ Sơn
Vào thế kỷ thứ IV sau công nguyên (SCN) vua Bhadravarman là người đã sáng lập ra Mỹ Sơn, phát hiện này được tìm thấy trong bia kí của Mỹ Sơn được viết bằng tiếng Phạn (Scranskit), theo sử liệu cổ Trung Quốc là Phạm Phật.
Để tỏ lòng thành kính với thần Shiva vua Bhadravarman đã cho xây dựng đền Bhadresvara ở Mỹ Sơn và dâng cả vùng đất này cho vị thần tối thượng này và sau này vùng đất Mỹ Sơn đã trở thành thánh địa của Vương quốc Champa sau này.
2.2 Vua Sambhuvarman người khôi phục Mỹ Sơn và ngôi đền Bhadresvara bị thiêu rụi
Sau 2 thế kỷ tồn tại ngôi đền Bhadresvara đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn lớn. Vua Sambhuvarman ( Phạm Chí) là người đã có công khôi phục, trùng tu lại ngôi đền và còn cho xây dựng thêm ngôi đền Sambhubhadresvara.
2.3 Vua Prakasadharma vị vua làm đẹp thánh địa Mỹ Sơn
Năm 653 vua Prakasadharma lên ngôi lấy niên hiệu là Vikrantavarman I và trị vì đến năm 685. Kế vị Prakasadharma cũng là một vị vua lấy niên hiệu là Vikrantavarman II trị vì đến năm 731. Trong suốt một thế kỷ dưới sự trị vì của 2 vị vua kể trên đất nước Champa sống trong thanh bình và thịnh trị và cũng là 2 vị vua có công rất lớn trong việc gìn giữ và làm cho khu thánh địa Mỹ Sơn của vương quốc giàu và đẹp thêm. Cũng bắt đầu từ vị vua Prakasadharma hình thức dâng cúng mới xuất hiện đó là dâng cúng những Kosa cho thần Shiva dùng để bọc Linga hay hay Mukhalinga, sau thời Prakasadharma việc dâng cúng Kosa trở thành phong tục rất riêng trong tôn giáo Champa. Và sau này Kosa trở thành một thể loại nghệ thuật đặc trưng của nền nghệ thuật cổ Champa.
2.4 Vương triều Indrapura, triều đại xây nên nhiều đền thờ lớn ở Mỹ Sơn
Theo các nhà nghiên cứu phần lớn những công trình kiến trúc hiện còn ở Mỹ Sơn đều là những đền tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ X và có chung một phong cách thống nhất gọi chung là phong cách Mỹ Sơn A1, hơn thế các đền tháp thuộc phong cách Mỹ Sơn A1 đa phần đều là những công trình kiến trúc thuộc loại lớn và có nhiều kiểu dáng so với những đền tháp được xây dựng trước đó. [2]
Cuối thế kỷ thứ IX một vương triều hùng mạnh của Champa hình thành và tồn tại trong một thời gian dài cả một thế kỷ đó là vương triều Indrapura.
Năm 875 vương triều Indrapura (Quảng Nam ngày nay) được hình thành, người sáng lập là vua Indravarman II, Indravarman II là vị vua rất tôn sùng phật giáo, cho nên ông đã cho xây dựng các đền phật giáo nổi tiếng ở Đồng Dương hiện nay. Trong suốt một thế kỷ tồn tại vương triều Indrapura đã cho xây dựng rất nhiều đền thờ Ấn Độ giáo cũng như đền tháp phật giáo ở Mỹ Sơn những công trình kiến trúc cùng những tác phẩm điêu khắc đá còn lại phần lớn đều thuộc cuối thế kỷ IX và thế kỷ X và đều thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương và Mỹ Sơn A1.
2.5 Vua Harivarman IV vị vua tái thiết Mỹ Sơn từ hoang tàn đổ nát
Từ năm 979 đến 1074 vương quốc Champa ở phía Bắc xảy ra các cuộc chiến tranh liên miên với Đại Việt, năm 982 vua Lê Đại Hành cử một đoàn binh thiện chiến sang đánh phá lãnh thổ Champa phá hủy kinh thành Indrapura. Năm 988 người dân Champa nổi dậy chống sự tiếm quyền của Lưu Kỳ Tông, năm 1044 vua Lê Thái Tông đích thân cầm quân chinh phạt Champa, kết quả thành Đồ Bàn bị thất thủ và một phần dân chúng Champa bị tàn sát.
Để được trả tự do năm 1069 vua Rudravarman III chấp nhận trao đổi với Đại Việt phần đất phía Bắc của Champa nằm giữa cửa Hoành Sơn và đèo Lao Bảo thuộc khu vực Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay. Sau ngày trở về vua Rudravarman III tiếp tục trị vì vương quốc Champa đến năm 1074. Gần một thế kỷ chiến tranh liên tục đã làm cho vương quốc Champa tan hoang suy yếu và bị thu hẹp lại và thánh địa Mỹ Sơn cũng đã bị tàn phá nặng nề trong gần một thế kỷ loạn lạc này.
Vào năm 1074 hoàng tử Thang lên nắm chính quyền, ngài lên ngôi vua với tên hiệu là Harivarman IV, sau khi lên ngôi ngài tiến đến Nagara Champa và khôi phục lại ngồi đền Srisanabhadresvara (tức Mỹ Sơn) đổ nát.
Bia ký D3 viết : “Thấy đền thờ của thần tối cao Srisanabhadresvara đã bị tàn phá, ngài khôi phục lại ngôi đền này cùng tất cả những ngôi đền khác mà các vị vua trước kia đã cúng cho thần Srisanabhadresvara, ngài cai quản mọi vật. Ngài dựng lại những ngôi đền khác, những đền thờ nhỏ và những công trình khác trong lãnh địa của Srisanabhadresvara và làm cho chúng trở nên đẹp đẽ hoàn hảo….”.[3]
Có thể thấy dưới thời Harivarman IV Vương quốc Champa trở nên giàu có, còn Mỹ Sơn thì trở nên thịnh vượng như trước đây.
2.6 Mỹ Sơn được xây dựng và tôn tạo sau triều đại Harivarman IV
Sau khi vua Harivarman IV qua đời ngôi vị được trao truyền cho đứa con là hoàng tử Vak hiệu là Sri Jaya Indravarman II vì mới lên ngôi được 9 tuổi nên hoàng tử Vak bị hoàng thân phế truất và đưa chú của hoàng tử Vak lên thay hiệu là Sri Paramabodhisatva.
Một bài minh khắc trên chiếc cột ở Mỹ Sơn cho biết “Vua Sri Paramabodhisatva lên ngôi năm 1081 là một vị vua trị vì hoàn hảo, ngài đã cho dựng các Linga thờ thần Shiva ở Mỹ Sơn, rồi dâng cúng vàng bạc, trâu, bò, nô lệ, và y phục cho thần Shiva”
2.7 Vua Jaya Paravesmaravarman II vị vua cuối cùng tu bổ Mỹ Sơn
Năm 1190 quân đội Campuchia tấn công Champa cuộc chiến kéo dài đến năm 1207 thì quân đội Campuchia hoàn toàn kiểm soát Champa sau đó đưa một phó vương lên nắm chính quyền vùng đất Champa đã chiếm đóng, và mãi đến năm 1226 vương quốc phía nam Champa mới giành được độc lập, vua Jaya Paravesmaravarman II lên ngôi sau 32 năm bị quân đội Khơme chiếm đóng.
Sau khi lên ngôi, năm 1234 vua Paravesmaravarman II đã đến Mỹ Sơn tại đây ngài đã cho phục dựng lại tất cả các ngôi đền đã bị phá hủy, dựng lại các Linga và dâng các một Kosa bằng bạc và các vật dụng bằng vàng và bạc cho ngôi đền Srisanabhadresvara.
Qua các tài liệu của các nhà nghiên cứu cùng các bia kí còn sót lại mà các nhà khoa học đã dịch thuật thì đều cho rằng vua Paravesmaravarman II là vị vua Champa cuối cùng đã đến tôn tạo và phục dựng Mỹ Sơn.
Sau thời kì trị vì của vua Paravesmaravarman II thì có thể thấy Mỹ Sơn gần như bị các vị vua của vương quốc Champa lãng quên một thời gian dài và chỉ đến cuối thế kỷ XIX Mỹ Sơn mới được phát hiện và tái sinh.
2.8 Thánh địa Mỹ Sơn bị bỏ rơi và lãng quên trong dòng lịch sử Vương quốc Champa
Trong một khoảng thời gian khá dài Mỹ Sơn đã hoàn toàn bị các vua Champa lãng quên, thế kỷ thứ XIII đánh dấu cho sự chấm dứt và là cuối cùng những ngôi đền ở Mỹ Sơn được xây dựng và tôn tạo, điều đó cho thấy qua các niên đại của những ngôi tháp và phong cách nghệ thuật Mỹ Sơn mà các nhà khoa học nghiên cứu Mỹ Sơn-Champa đã công bố.
Sự lãng quên của vua chúa Champa đối với Mỹ Sơn là do những cuộc chiến tranh kéo dài và liên tục, đối với các vua chúa Champa ở phía Bắc, vừa phải lo dẹp loạn những cuộc vùng dậy của tiểu vương quốc Panduranga ở phía Nam vừa phải lo đối phó với Đại Việt ở phương Bắc. Điển hình năm 1249 vua Indravarn IV cử một đoàn quân sang dẹp loạn những cuộc vùng dậy tại Panduranga. 1252 vua Trần Thái Tông đích thân dẫn quân chinh phạt Champa vì những cuộc đánh phá trên bờ biển Bắc Việt và vùng châu thổ Sông Hồng của quân đội Champa. 1282 Champa bị Mông Cổ tấn công và đặt quyền cai trị của mình đến năm 1285.
Năm 1287 vua Jaya Simhavarman lên ngôi (Chế Mân), đánh dấu cho mối tình oan nghiệt và thất bại trong chính trị của Chế Mân với nhà Trần đương thời, 1306 hôn nhân của công chúa Huyền Trân-Đại Việt với vua Chế Mân-Champa được tiến hành và sính lễ là hai vùng đất Châu Ô và Lý (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay) được dâng cho Đại Việt.
Năm 1470 vua Lê Thánh Tông xua quân đánh chiếm Champa đến năm 1471 thành Vijaya (Đồ Bàn) bị thất thủ hoàn toàn và bị san bằng. Sự thất thủ của Vijaya đánh dấu cho sự suy tàn của nền văn minh Ấn Giáo trên vương quốc Champa.
Sự thất thủ của Vijaya đồng nghĩa với việc biên giới Champa ở phía Bắc bị thu hẹp và dời sang mũi Varella và dựng cột mốc trên núi Đá Bia (Phú Yên) [4]. Điều đó cho thấy Mỹ Sơn đã bị mất hoàn toàn quyền kiểm soát của các vua chúa Champa sau này và kể từ đó các bia kí ở Mỹ Sơn không còn hiện diện nữa mỗi khi các vị vua Champa lên ngôi và những ngôi đền cũng không còn được xây dựng hay phục hồi qua các năm tháng chiến tranh.
3. Tầm quan trọng của Mỹ Sơn
Từ khi được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, mỗi năm Mỹ Sơn đã đón hàng triệu lượt khách tham quan, đặc biệt là khách quốc tế tạo doanh thu đáng kể cho nghành dịch vụ du lịch Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo Vietnam+ trong 6 tháng đầu năm 2012 khu thánh địa Mỹ Sơn đã thu hút 811.000 lượt khách quốc tế và 587.000 lượt khách nội địa, doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 619 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt gần 1.500 tỷ đồng.
Theo Báo Quảng Nam trong dịp Tết Qúy Tỵ Mỹ Sơn đã đón 11.500 lượt khách tham quan, doanh thu trong 9 ngày tết hơn 1.5 tỷ đồng.
Có thể thấy cùng với Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An hay Cố đô Huế thì thánh địa Mỹ Sơn cũng là tâm điểm cho khách du lịch các nước đến tham quan, nghiên cứu.
Ngoài tầm quan trọng trong vấn đề là điểm nhấn để thu hút khách du lịch, tạo doanh thu dịch vụ góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương thì Mỹ Sơn còn là di tích nghệ thuật đặc sắc nhất của khu vực Đông Nam Á. Các kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn tuy đa phần không còn nguyên vẹn nhưng Mỹ Sơn vẫn là cứ liệu tốt nhất để khai phá quá trình phát triển và thịnh vượng về mặt lịch sử và nghệ thuật của Vương quốc Champa cổ đại.
Linga mới phát hiện tại Mỹ Sơn
4. Vấn đề và giải pháp trùng tu di tích Mỹ Sơn
Sự khai thác về du lịch của Thánh địa Mỹ Sơn đã làm kiệt sức những ngôi tháp cổ trước những bàn chân của du khách tham quan, vấn đề khai thác phải luôn đi đôi với trùng tu và bảo tồn những ngôi tháp cổ, đó là điều hết sức cần thiết mà tất cả các bộ nghành làm du lịch phải biết và điều biết.
Hàng ngày với hàng trăm lượt khách tham quan với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi ngày thì với lợi nhuận mỗi ngày như thế thì không dại gì thánh địa Mỹ Sơn phải đóng cửa để bảo tồn, trùng tu. Với tình trạng tham quan quá tải vào giờ cao điểm sẽ khiến đền tháp bị ảnh hưởng dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng, ngoài ra các hệ thống phương tiện đưa đón khách du lịch vào quá gần trung tâm đền tháp sẽ gây rung chấn đến địa chất nền móng của toàn bộ đền tháp.
Đặc biệt vào tháng 10 hàng năm Mỹ Sơn luôn phải gánh chịu những trận lũ quét trên diện rộng, toàn bộ các đền tháp đều nằm trong thung lũng với bán kính 2km nên đa phần các đền tháp đều bị ngập úng từ nửa thân đến nguyên phần đền tháp gây nên làm rã các mạch liên kết giữa các viên gạch, kết cấu gạch tháp bị mềm, dễ vỡ vụn do bị ngâm nước lâu ngày dẫn đến các ngôi tháp có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào.
Do vậy các vấn đề cần đặt ra là phải tăng khoảng cách thời gian tham quan Mỹ Sơn để tránh quá tải gây ảnh hưởng đến địa chất nền móng của toàn bộ khu thánh địa, cần khoanh vùng để trồng rừng phòng hộ nhằm bảo vệ môi trường xung quanh, chống xói mòn, sạt lở đất, tái tạo cảnh quan khu di tích, đồng thời ngăn chặn dòng nước lũ tràn vào khu thánh địa vào mùa mưa.
Đầu tháng 11-2012 một dự án trùng tu, bảo tồn di tích Mỹ Sơn đã được triển khai do Viện Khảo cổ học Ấn Độ tiến hành với kinh phí trùng tu 3 triệu USD, hy vọng với kinh phí lớn, sự hỗ trợ của kỹ thuật tiên tiến cùng với kinh nghiệm của các Kiến trúc sư, các chuyên gia của Ấn Độ giúp đỡ, Mỹ Sơn sẽ được cứu nguy khỏi nguy cơ biến thành phế tích.
Putra Jatrai
Tác giả gửi trực tiếp cho BBT Gulpataom
Comments[ 0 ]
Post a Comment