Cây lồ ô là một loại cây cùng họ tre có mặt nhiều ở Tây Nguyên. Loại cây này quen thuộc trong đời sống của đại đa số các dân tộc Tây Nguyên như Ê Đê, M’nông, S’tieng…Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều vật dụng của bà con như gùi, cán rựa, kèn, sáo, vật đựng nước đều được làm từ cây lồ ô. Và độc đáo hơn cả đồng bào ở đây còn dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.
Cây lồ ô để nấu món ăn được đồng bào nơi đây chọn rất kỹ, phải là những cây không già cũng không non. Các đốt dài và thẳng, lõi trong phải lớn để chứa được nhiều nguyên liệu nấu ăn.
Cơm lam
Ống lồ ô dùng để nấu cơm lam là các loại ống nhỏ, không quá non cũng không quá già, đa phần đồng bào Tây Nguyên đều nấu bằng nếp để dùng trong các lễ hội của buôn làng. Nếp được ngâm mềm sau đó đổ vào ống lồ ô và dùng lá chuối bịt lại, nướng trên lửa cho chín đều. Khi cơm chín vỏ ngoài được gọt bỏ và cắt miếng nhỏ vừa ăn.
Cơm lam được ăn với muối vừng hay thịt. Cơm lam là món ngon dân dã của đồng bào Tây Nguyên, chứa đựng tình cảm, mùi thơm của lúa gạo, mùi thơm của tre nứa từ rừng núi Tây Nguyên bạt ngàn. Nếu có dịp đến Tây Nguyên du khách đừng quên cơm lam, muối vừng, món ăn dân dã nhưng đầy ấp nghĩa tình của đồng bào nơi đây.
|
Nấu cơm lam trong lễ hội truyền thống. Ảnh: Yes24
|
Canh thụt rau nhiếp
Canh thụt là món ăn hàng ngày thường thấy của đồng bào M’nông, S’tieng hay Ê Đê. Sống hòa mình và gần gũi với thiên nhiên nên đồng bào Tây Nguyên thường dùng những nguyên liệu sẵn có của núi rừng để chế biến món ăn, canh thụt cũng là món ăn được nấu từ rau rừng, cá suối.
Đọt mây và rau nhiếp non được hái từ rừng về bỏ vào ống lồ ô sau đó đem nướng trên bếp lửa hồng. Khi ống canh vừa chuyển vàng cho thêm cá suối, muối và một ít bột ngọt. Xoay đều ống để món canh chín, sau đó dùng một cây tre dài thụt liên tục để các thành phần trong ống canh nhuyễn đều với nhau. Chính sự tác động này mà món canh có tên gọi đặc biệt như vậy. Vị dẻo bùi của rau nhiếp hòa với vị ngọt của nước suối rừng trong vắt, vị tươi ngon của cá làm cho món ăn đậm đà hương sắc núi rừng.
|
Rau nhiếp, món rau luôn có mặt trong bữa cơm của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh:Dantocviet
|
Cà đắng thụt ống
Cà đắng là món ăn yêu thích của đồng bào Ê Đê, cây cà đắng mọc quanh nhà, mé rừng hay trên những con đường vào buôn làng. Sáng sớm lên nương rẫy chiều về nhà, đồng bào nơi đây luôn có sẵn cà đắng trong những chiếc gùi trên vai. Cà đắng được nấu với nhiều món như tép, cá khô, thịt rừng hay um với ếch.
Ngon nhất có lẽ là cà đắng thụt ống với cá suối hay thịt rừng. Cà đắng xắt nhỏ cho vào ống lồ ô, đổ thêm ít nước sau đó nướng ống bên bếp lửa góc nhà. Ống lồ ô chuyển màu và nước sôi sùng sục thì dùng một cây tre nhỏ thụt đều cho cà nát nhuyễn. Tiếp tục cho thêm cá suối hay thịt rừng và một ít gia vị cho vừa miệng, xoay ống để vừa chín là có thể dùng được. Vị đắng dịu của cà, vị thơm của ống, vị ngọt của thịt rừng hay cá suối, tất cả hòa hợp tạo nên khẩu vị rất lạ, rất riêng và đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
|
Cà đắng, món ăn yêu thích của đồng bào Ê Đê. Ảnh: Wordpress
|
Đọt mây nấu ống
Đọt mây là món ngon quý hiếm của đồng bào Tây Nguyên, bởi lẽ để có được món ăn đặc trưng này đồng bào phải vào trong rừng sâu, đi cả ngày trời để có được những cây đọt mây tươi ngon. Đọt mây chặt về được tách bỏ phần vỏ gai cứng bên ngoài sau đó cho vào ống lồ ô thêm một ít nước sôi rồi để lên bếp nướng. Ống vừa sôi thì cho thêm một ít muối, bột ngọt và xoay đều ống để đọt mây chín đều. Khi thấy nước sôi sùng sục, mùi thơm của đọt mây thơm phức thì cũng là lúc ống mây vừa chín.
Đổ ống mây ra vạt lá chuối thêm một ít muối ớt hiểm để làm đồ chấm. Món ăn sẽ càng thêm đậm đà khi thưởng thức với chén rượu cần nồng nàn. Giữa hương sắc núi rừng, vị men nồng ấm sẽ cho du khách một trải nghiệm khó quên với Tây Nguyên.
|
Đọt mây, rau nhiếp món ăn độc đáo của Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió. Ảnh: Loca
|
Ngồi giữa rừng thu Tây Nguyên thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào, nghe suối chảy róc rách, âm vang của lá rừng xào xạc, âm vang của cồng chiêng rộn rã bên chén rượu thơm nồng sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho những ai đặt chân đến xứ sở hoang sơ, tuyệt diệu đầy bí ẩn này.
Văn Trã
i
Comments[ 0 ]
Post a Comment