TƯ VẤN VÀ NHẬN TOUR ĐI CÁC ĐIỂM TẠI ĐÂY
LIÊN HỆ ĐẶT TOUR : MR TÂN : 0915.002.246
Cồn cỏ, một đảo nổi ở khu vực miền Trung, cách đất liền khoảng 20 hải lý, với diện tích 220 ha đất tự nhiên phủ kín bởi cây xanh, Cồn cỏ được xem là đảo có tiềm năng du lịch sinh thái của tỉnh Quảng Trị.
Từ bãi biển Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nhìn ra phía tây ta sẽ thấy một hòn đảo xanh lam nổi lên giữa biển như một chiến hạm đang trấn giữ ngoài khơi; đó chính là đảo Cồn Cỏ, còn có tên gọi khác là đảo Con Hổ, đảo Hòn Mệ.
Đảo như một tiền đồn giữa vĩ tuyến 17 trấn giữ phía đông Tổ quốc. Không chỉ là hòn đảo nổi tiếng kiên cường trong chiến tranh chống Mỹ, Cồn Cỏ còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung.
Đặc biệt khi nhắc tới Cồn Cỏ người ta nhắc ngay đến con cua đá đã đi vào thơ ca của người lính biển. Khi chúng tôi đến là mùa Xuân nên những con cua đá đang ở sâu trong hang hưởng sự đầm ấm hạnh phúc của gia đình. Người Cồn Cỏbảo rằng nếu đến đây vào mùa hè thì bạn có thể gặp cua đá bò lổm ngổm bên cạnh những hòn đá to nằm ở vệ đường. Trước đây người dân thường nấu canh cua đá nhưng bây giờ thực hiện chủ trương bảo tồn sinh vật biển nên những con cua đá vào nồi ít hơn. Ở Cồn Cỏ ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người dân rất cao.
Gắn liền với Cồn Cỏ là những vạt rừng với nhiều tầng thực vật phát triển khá đa dạng và tự nhiên tạo cho không gian nơi đây thoáng đảng và trong lành đến lạ thường. Thiên nhiên ưu đãi cho sự có mặt của nhiều loài cây quý hiếm, những cư dân sống lâu năm trên hòn đảo xanh này cho rằng ở đây có nhiều loài cây của đất liền đem ra sống rất xanh tốt và khỏe mạnh, nhiều loài cây ăn trái không chỉ cho trái sai oằn mà còn cho hương vị ngọt đậm rất đặc trưng của miền đất có thắm vị mặn của biển.
Thế nhưng đến với Cồn Cỏ thì phải biết đến bốn loại cây là Dứa dại, Sâm cao, dào dào và Thầu Dầu. Bên các vệ đường ôm quanh đảo là những vạt dứa dại kết vào nhau chắn gió biển.
Từ đảo Cồn Cỏ nhìn về phía tây ta sẽ thấy rõ màu xanh của rừng dương ven biển Cửa Tùng và bãi cát trắng phau trước thềm địa đạo Vịnh Mốc. Phía tây nam là một dải bờ nam sông Bến Hải, xa nữa là dãy Trường Sơn tím nhạt chạy dài. Chính nhờ vị trí đó mà Cồn Cỏ giữ một ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng trong cuộc đụng đầu lịch sử khi đất nước ta còn chia cắt hai miền Nam- Bắc.
Đảo Cồn Cỏ có hình dạng tương đối tròn, diện tích khoảng 4km², chu vi 8km, độ cao từ 5- 30m so với mặt nước biển, riêng giữa đảo có một đỉnh đồi nhô lên với chiều cao 63m. Tuy chỉ cách đất liền chưa đến 30km, nhưng với các phương tiện thông thường đã không thể ra đảo được khi gặp gió cấp 6 trở lên. Ấy vậy mà trong những năm đánh Mỹ, hàng trăm chiến sĩ tự vệ của Vĩnh Linh đã quên cả hiểm nguy, bằng phương tiện thô sơ đã chở vũ khí, lương thực từ đất liền ra tiếp tế cho đảo. Rất nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi vì gió to sóng lớn hoặc vì bom đạn ác liệt của kẻ thù.
Rừng trên đảo có những loài cây lạ mà trong đất liền không có; có cây thân cao vằn vèo nhiều đốt; có cây thân thẳng, da nhẵn như cây ổi nhưng rất to cao, gỗ cứng và nặng, khi bị xây xát nhựa chảy ra có màu đỏ như máu nên gọi là cây “dầu máu”. Lại có loài khoai dại, lá to hơn cả lá chuối, góp phần giúp người che nắng, che mưa. Trên đảo còn có cả những rừng bàng, vào mùa thu, lá bàng đỏ ối cả một vùng như điểm tô cho đảo. Các giống cây ăn trái được thì có đu đủ, chuối, dâu da... Giống nào cũng xanh tốt, vừa cung cấp thực phẩm cho lính đảo, vừa làm nơi trú ngụ cho chim trời về góp vui với họ. Để làm phong phú thêm cảnh vật, môi trường trên đảo và cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho đảo, năm 1989, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã đem 4.000 cây dừa, tượng trưng cho 4.000 năm dựng nước và giữ nước ra trồng trên đảo. Đến nay, dừa đã xanh tốt và cho trái. Với tinh thần tự lực tự cường, các chiến sĩ canh giữ đảo còn trồng thêm rất nhiều loại rau, hoa và cây cảnh, mùa nào thức nấy, làm cho bộ mặt của đảo ngày càng thêm tươi đẹp.
Thế giới động vật trên đảo tuy không nhiều về chủng loại nhưng cũng khá độc đáo. Trên trời thì có chim cu cườm, chim én thay nhau gửi đến con người những tín hiệu bình yên. Dưới đất thì có loài rắn lục xanh nhỏ nhưng rất độc, có thể dùng làm thuốc. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, là nguồn thực phẩm dồi dào và quan trọng trên đảo. Ngoài biển thì có giống rắn biển, còn gọi là con đẻn, dài khoảng một sải tay, độc không kém rắn lục, rượu ngâm đẻn là loại thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi rất được nhiều người ưa chuộng. Dưới biển thì có hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn cao cấp, được xếp ngang với yến sào. Ngoài ra, ở bờ biển Cồn Cỏ còn có loài ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể tận dụng làm đồ trang sức, mỹ nghệ...
Cảnh quan trên đảo cũng luôn được cải tạo. Từ một hòn đảo nhỏ bị bom đạn cày xới không thương tiếc, đến nay đã có rất nhiều ngôi nhà khang trang, có sân chơi thể thao, có đường cấp phối. Từ đảo có thể liên lạc dễ dàng với đất liền bằng điện thoại. Các hạng mục hạ tầng cơ sở trên đảo đã và đang từng bước được hoàn thiện, đáng chú ý nhất là công trình bến đậu- âu tàu.
Trong nay mai, đảo Cồn Cỏ sẽ đón nhận những công dân đầu tiên từ đất liền ra định cư lập nghiệp để xây dựng Cồn Cỏ thành đảo Thanh niên- huyện đảo của tỉnh Quảng Trị. Cồn Cỏ đã và đang là một hòn đảo trù phú, một điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.
(Sưu tầm)
Comments[ 0 ]
Post a Comment