Cồn Cỏ là huyện đảo nằm ngoài khơi biển Đông, cách thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ) khoảng 28 km. Dù diện tích đảo không lớn chỉ khoảng 2,3 km2, chu vi đảo chừng 8 km nhưng Cồn Cỏ lại có vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ phần bờ biển Bắc Trung bộ, có vai trò rất lớn trong công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ, lãnh hải, là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của hệ thống đảo, hải đảo và vùng biển Việt Nam.
TƯ VẤN & NHẬN TOUR ĐI CÁC ĐIỂM
NHẬN ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN Ở ĐÀ NẴNG - HUẾ
LIÊN HỆ : Mr TÂN 0915.002.246 - 0935.228.333
Email : songnuocviettravel@gmail.com
THAM KHẢO TOUR XUẤT PHÁT TỪ QUẢNG TRỊ
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, trong đó có 2 câu thơ “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”.
Cồn Cỏ trở thành huyện đảo tỉnh Quảng Trị từ ngày 1/10/2004, làm lễ ra mắt ngày 18/4/2005, chính thức chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự. Lần đầu tôi đến với Cồn Cỏ vào tháng 4/2006 sau khi UBND huyện đảo đi vào hoạt động được một năm. Thời đó Cồn Cỏ còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Còn bây giờ sau 7 năm tôi có dịp trở lại, Cồn Cỏ đã có nhiều đổi thay và khởi sắc. Huyện đảo xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình: Đường giao thông quanh đảo; Âu thuyền cho tàu thuyền vào neo đậu và tránh bão; Trụ sở Dân chính Đảng; Nhà ở, nhà văn hóa, trường mầm non; Hệ thống thông tin liên lạc; Trạm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, Hồ thu gom và chứa nước nhân tạo để cải tạo môi trường sinh thái… Ngoài ra còn có một số dự án mới khởi công như: Kè chống xói lở bảo vệ đảo; Dự án cảng cá và khu dịch vụ; Doanh trại quân đội… đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong thời gian đến. Đứng trên nóc ngọn hải đăng ở Đồi 63 - điểm cao nhất của đảo - nơi Thái Văn A đứng gác ngày nào, tôi có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đảo. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn đảo: những công trình kiến trúc mới xây dựng với nhiều sắc màu nổi bật giữa cánh rừng xanh bạt ngàn chiếm hơn 70% diện tích toàn đảo. Xung quanh đảo là biển xanh màu ngọc bích với nhiều tàu thuyền đang đánh bắt hải sản. Khung cảnh thật nên thơ và thanh bình. Tôi cầm máy ảnh đi một vòng quanh đảo nhanh tay ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng, thưởng thức những cơn gió mát rượi, rừng cây tĩnh lặng, có dịp trò chuyện với các anh lính đảo, những người lính giản dị, vui tươi nhưng vô cùng mến khách. Cồn Cỏ có cây bàng vuông, cây phong ba quanh năm xanh tươi biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của đảo cùng các món hải sản tươi ngon như mực, cá, ốc nón, ốc thổ… mà chỉ một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi.
Ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ phấn khởi cho biết: Trong 8 năm qua, huyện đã tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay bên cạnh việc rà soát bổ sung Quy hoạch tổng thể Kinh tế - Xã hội, huyện đã hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng; Quy hoạch chi tiết du lịch; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính - dân cư; Quy hoạch các tuyến đường đi lại trên đảo; Quy hoạch hệ thống hầm hào, công sự chiến đấu … theo định hướng xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch làm cơ sở, tiền đề cho công tác đầu tư và quảng bá kêu gọi đầu tư…
Âu thuyền và bãi tắm trên đảo
|
Hai khó khăn lớn của Cồn Cỏ được ông Lê Quang Lanh chia sẻ là thiếu nước ngọt và điện. Nước ngọt ở Cồn Cỏ chủ yếu tích trữ từ nước mưa để dùng tằn tiện quanh năm. Việc lọc nước biển thành nước ngọt đã có công nghệ nhưng quan trọng là phải có nguồn điện mạnh và ổn định. Về cấp điện: Năm 2009 huyện đảo đã đầu tư xây dựng 01 trạm cấp điện tập trung bằng động cơ diesel với 2 máy, công suất mỗi máy 66 kVA cùng đường dây hạ thế cáp bọc vặn xoắn dài 2.232 m, duy trì cấp điện từ 8h lên 15h mỗi ngày. Do phát bằng động cơ diezel nên giá thành rất cao, mỗi năm tỉnh và huyện phải bù lỗ hơn 01 tỉ đồng. Hiện tại 01 máy bị cháy, việc cung ứng điện vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mặt khác chất lượng điện không ổn định, do vậy các thiết bị sử dụng điện như ti vi, máy tính, quạt điện, nồi cơm điện nhanh bị hư hỏng. Các chuyên gia Tây Ban Nha đã đến Cồn Cỏ khảo sát và lập dự án cung ứng điện bằng phương án "3 trong 1" (Năng lượng gió, mặt trời và diesel). Dự án này được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương đưa vào quy hoạch với vốn đầu tư khoảng 3 triệu USD. Huyện đảo Cồn Cỏ đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để sớm triển khai. Có được nguồn điện mạnh và ổn định, huyện đảo mới có điều kiện để xây dựng và phát triển về mọi mặt.
Đảo Cồn Cỏ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rất lớn. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, có địa hình cảnh quan đẹp, những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với những loại thực vật hoàn toàn không có trên đất liền. Là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô. Là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quí, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu. Đảo có ngư trường rộng lớn với nguồn hải sản phong phú. Bên cạnh giá trị đa dạng sinh học, vùng biển đảo Cồn Cỏ còn chứa đựng nhiều giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử. Đây là những lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, vui chơi thư giãn như câu cá, lặn biển, khám phá rừng nguyên sinh và các di tích lịch sử… Cồn Cỏ - một địa chỉ đỏ - nơi nhiều người mong muốn có dịp đến thăm. Những tiềm năng nói trên đã tạo nên một Cồn Cỏ - Hòn ngọc đỏ giữa biển xanh.
|
Cây phong ba trên đảo Cồn Cỏ
|
Cồn Cỏ - nơi hàng trăm cô gái, chàng trai tình nguyện ra đảo lập nghiệp. Những tổ ấm gia đình được hình thành, có 21 cháu bé đã chào đời trên đảo. Dân số của đảo hiện khoảng 400 người. Họ luôn xem đảo là nhà, biển cả là quê hương. Trong tương lai gần, huyện đảo đang có chủ trương đưa thêm dân ra lập nghiệp lâu dài.
Trải qua bom đạn chiến tranh, Cồn Cỏ vẫn giữ được màu xanh nguyên vẹn của những cánh rừng, vẻ đẹp hoang sơ và đa dạng sinh học biển đảo. Quân và dân Cồn Cỏ đang ngày đêm vun đắp, xây dựng nên một hòn đảo xanh nơi tiền tiêu của Tổ quốc với những dãy nhà khang trang, con đường, sân bóng, vườn rau... Cồn Cỏ đang khai thác tiềm năng, kinh tế biển và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển, vùng trời của đất nước. Cồn Cỏ đang trở thành hòn đảo hòa bình và du lịch, một hòn đảo lao động và dựng xây.
Nguồn : Sưu tầm từ cpc.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment