Sáng 25/2 (16 tháng Giêng Âm lịch) tại bãi biển Thanh Bình (đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), ngư dân Đà Nẵng đã tưng bừng khai lễ cầu ngư truyền thống đầu năm.
Cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa
Theo truyền thuyết, lễ hội cầu ngư của bà con có căn nguyên từ lễ tế Cá Ngư Ông (cá Voi). Đối với bà con ngư dân thờ Cá Ngư Ông không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá. Cá Ông là tên gọi tôn kính của ngư dân dành cho cá Voi, loài cá thường cứu giúp họ vượt qua tai nạn trên biển. Hàng năm cứ đến sau Tết Nguyên đán, ngư dân tổ chức lễ tế Cá Ông lồng ghép với lễ hội cầu ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam.
Cầu mong một mùa đánh bắt thắng lợi
Theo các nhà nghiên cứu, lễ hội cầu ngư ở làng chài Xuân Hà (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) là một loại hình lễ hội mang đậm nét dân gian gắn liền với cuộc sống của ngư dân sống ven biển TP Đà Nẵng.
Biểu diễn chèo thuyền
Phần lễ được mở đầu bằng lễ nghinh thần, lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, lễ cầu an cho các vong hồn đã mất trên biển.
Phần hội được tổ chức sôi nổi, vui tươi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mang đậm đặc trưng của bà con vùng biển như: thi ngoáy thúng, kéo co, đan lưới, làm gỏi cá… của ngư dân các phường chài. Đây là hoạt động nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của bà con ngư dân.
Đây là lễ hội văn hóa truyền thống của ngư dân quận Thanh Khê được tổ chức hàng năm vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, đồng thời cầu cho quốc thái dân an.
Thi ngoáy thuyền thúng của bà con vạn chài
Lễ hội bày tỏ khát vọng lớn lao của bà con ngư dân - những con người luôn đối mặt với những bất trắc trên biển cả, cầu mong một mùa đánh bắt mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.
Thi kéo co
Được biết, ngay sau lễ cầu ngư kết thúc, hàng trăm tàu thuyền của bà con sẽ đồng loạt ra khơi để lấy may đầu năm.
Comments[ 0 ]
Post a Comment