Thắp nén nhang trước mộ chúa Nguyễn Phúc Thái, ông Lô kể rằng, ông sinh ra trong một gia đình cách mạng nên thời niên thiếu đã tham gia vào đội du kích địa phương. “Năm 1967, tui được cấp trên giao làm Trung đoàn trưởng của Đội TNXP của huyện. Lúc ấy, tui nhiều lần bị địch bắt, tra khảo chết đi sống lại nhưng vẫn quyết không hé một lời. Cuối cùng, chúng cũng phải thả tui về địa phương”. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông Lô đã mạnh dạn làm đơn xin chính quyền địa phương lên khai hoang vùng đất đồi ở khu vực lăng Trường Mậu (lăng chúa Nguyễn Phúc Thái) để trồng rừng, đào ao thả cá...
Đứng bên hồ cá rộng mênh mông, bà Nguyễn Thị Nồng (76 tuổi, vợ ông Lô) cho biết thêm: “Lúc vợ chồng tui mới về đây, khu vực này toàn là hố bom. Đất đai bạc màu, cây cối bị bom đạn thiêu cháy trơ trọi nên phải bắt tay vỡ đất, đốn hạ từng cây khô để có thể ươm giống cây mới. Giờ thì vợ chồng tui có trong tay 3ha rừng tràm, 1ha cao su 10 năm tuổi, 1ha Thanh Trà và 5 hồ cá... mỗi năm thu hoạch được gần 100 triệu đồng…”.
Ở vùng đồi núi bán sơn địa này, để có thể giữ cho vườn cây trái bao quanh lăng chúa được xanh tốt, ông Lô đã tự tay đào đất đắp một con mương lớn phục vụ cho việc tưới tiêu cả vườn đồi. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn Thanh Trà, ông Lô bảo: “Phải mất gần 20 năm, vợ chồng tui mới trồng được vườn cây ăn quả rộng gần 1ha này đấy!”…
Ông Lô ngày ngày quét dọn, bảo vệ lăng chúa Nguyễn Phúc Thái.
Về việc dựng chòi bảo vệ lăng chúa Nguyễn, ông Lô trầm ngâm một lát rồi nói: “Chúa Nguyễn Phúc Thái nổi tiếng là vị chúa yêu nước, thương dân như con, nên chỉ trong 4 năm lên ngôi cai trị đất nước (1687-1691), ông đã cho giảm nhiều sưu cao thuế nặng, thuế tô, thuế điền... Vì thế mà nhiều tên trộm nghĩ rằng, khi chúa băng hà, sẽ được triều đình an táng cùng với nhiều cổ vật ngự dụng quý giá. Bởi thế mà lăng chúa luôn bị kẻ trộm nhòm ngó”.
Rồi ông kể, vào một đêm cuối hè năm 1994, trong lúc đang mơ màng trong giấc ngủ, ông Lô mơ thấy một ông lão râu tóc bạc trắng, mặc áo bào vàng có hình rồng cuộn trước ngực, báo mộng rằng: “Đêm nay sẽ có người đến thăm lăng chúa...”. Giật mình tỉnh giấc, ông Lô hớt hải cầm vội cây rựa và chiếc đèn dầu chạy về phía lăng. Thấy bọn trộm mộ đang dùng cuốc, xẻng phá bỏ lớp bê tông trên mộ, ông Lô liền la lớn, trong khi cây rựa lăm lăm trong tay. Sợ hãi, nhóm trộm mộ liền bỏ lại dụng cụ rồi chạy mất hút trong bóng đêm. Chừng 4 năm sau, nhóm trộm mộ kia quay lại nhưng cũng không thể đào được mộ của chúa Nguyễn Phúc Thái vì lúc nào ông Lô cũng ở cạnh lăng để bảo vệ.
Ông Nguyễn Kim Bình, Trưởng thôn Kim Ngọc, cho hay: “Nhờ công sức của ông Lô mà đến nay, khu vườn bao quanh lăng chúa Nguyễn ngày một khang trang, sạch đẹp hơn. Dù đường sá vẫn còn lắm cách trở, nhưng thời gian qua đã có rất nhiều đoàn khách đến để chiêm bái lăng chúa. Đây là niềm tự hào của địa phương...”.
Nhìn chiếc chòi tạm mục nát mà vợ chồng ông Lô trú ngụ đã chực sập đổ, bên trong độc nhất chiếc giường gỗ cùng ít nồi niêu làm vật dụng nấu ăn mà chúng tôi không khỏi cảm phục tấm lòng của đôi vợ chồng già với một di tích lăng chúa Nguyễn và nghị lực lao động vượt khó để vươn lên làm kinh tế thoát nghèo…
Theo Lê Anh
Comments[ 0 ]
Post a Comment