Những trải nghiệm lạnh gáy không chỉ thu hút khách du lịch trong dịp Halloween. Giờ đây, một xu hướng du lịch mới đang ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, tạm gọi là “du lịch đen” - những địa điểm tham quan gắn liền với những sự kiện lịch sử kinh hoàng.
Khi nghĩ tới một kỳ nghỉ, một chuyến đi chơi, trước đây, người ta thường không nghĩ rằng mình sẽ đặt chân tới một nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân, một ngôi nhà từng xảy ra những vụ án mạng hay một phòng thi hành án tử hình…
Đối với nhiều người, những địa điểm này thật rùng rợn, tuy vậy, với số khác, đó lại là ý tưởng thôi thúc họ lên đường. Nhu cầu của du khách tìm tới địa điểm “du lịch đen” thường là để trải nghiệm cảm giác mạnh - những cảm giác mà bạn sẽ không thể có được nếu chỉ đi dạo bên bờ biển và nằm nghỉ trong khách sạn.
Địa điểm “du lịch đen” có rất nhiều loại, đó có thể là nơi từng xảy ra thảm họa tự nhiên, bi kịch lịch sử hoặc vụ việc kinh hoàng…
Những địa điểm “du lịch đen” nổi tiếng
Ở Việt Nam, du khách nước ngoài thường biết đến những địa danh lịch sử như địa đạo Củ Chi, địa đạo Vĩnh Mốc - hai địa đạo nổi tiếng gắn liền với cuộc chiến giành độc lập của quân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Thôn Mỹ Lai ở làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cũng là một địa điểm “du lịch đen” nổi tiếng. Nơi đây từng diễn ra cuộc thảm sát Mỹ Lai kinh hoàng khiến hàng trăm dân thường Việt Nam bao gồm cả phụ nữ và trẻ nhỏ bị binh lính Mỹ giết hại dã man, tàn bạo trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Trên thế giới, một số địa điểm “du lịch đen” gắn với sự kiện lịch sử còn có thể kể tới trại tập trung người Do Thái Auschwitz-Birkenau ở Ba Lan, cánh đồng chết ở Campuchia, Ground Zero - nơi từng xảy ra vụ tấn công với tòa tháp đôi của Mỹ…
Trại tập trung Auschwitz Birkenau ở Ba Lan - nơi từng giam giữ và chứng kiến tội ác diệt chủng đối với khoảng một triệu người Do Thái dưới thời Đức quốc xã.
Nhà tù Tuol Sleng, thành phố Phnom Penh, Campuchia - nơi từng chứng kiến tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ hồi thập niên 1970.
Khu vực tưởng niệm chuyến bay số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines (Mỹ). Chiếc máy bay đã đâm xuống cánh đồng ở thành phố Stonycreek, bang Pennsylvania ngày 11/9/2001 trong một vụ tấn công khủng bố.
Đài tưởng niệm Hòa bình ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản dành để tưởng niệm 140.000 nạn nhân của vụ tấn công bằng bom nguyên tử hồi năm 1945. Ở đây còn lưu giữ một xác nhà đã đổ gục sau khi quả bom trút xuống.
Một số công ty du lịch của Nhật cho biết họ đã bắt đầu xây dựng kế hoạch biến địa điểm gần nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi trở thành địa điểm “du lịch đen”.
Về địa danh “du lịch đen” rùng rợn có thể kể tới căn nhà của kẻ giết người hàng loạt khét tiếng hồi thập niên 1980 - Dorothea Puente. Tháng trước, chính quyền thành phố Redlands, bang California, Mỹ đã bắt đầu mở cửa căn nhà này. Đến đây, khách du lịch sẽ tham quan khu vườn mà kẻ sát nhân từng chôn xác các nạn nhân.
Hình nộm kẻ sát nhân Dorothea Puente được đặt trong sân vườn, nơi từng diễn ra những vụ giết người chôn xác kinh hoàng.
Mới đây, chính quyền bang Missouri của Mỹ cũng vừa mở cửa một nhà tù cũ - nơi từng diễn ra những vụ tử hình bằng khí gas.
Ở Đức, các công ty du lịch cũng đang tiến hành mở tour tham quan dưới các boongke ngầm từng được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh. Đến đây, du khách sẽ trải nghiệm một chuyến tham quan kéo dài 16 tiếng. Khi ở dưới boongke, du khách sẽ ăn vận như một quân nhân. Những người hướng dẫn du lịch sẽ thành “cấp trên” và được phép ra lệnh cho du khách.
Ở Latvia, nhà tù Karosta cũng mời du khách trải nghiệm cảm giác làm tù nhân trong nửa ngày. Trước khi bị dẫn vào xà lim, du khách phải ký một bản cam kết, đồng ý để bị mắng nhiếc, đối xử như một tù nhân. Nếu không “nghe lời” quản giáo, du khách có thể sẽ bị bắt lau dọn phòng giam.
Như vậy, “du lịch đen” có thể tạm coi là xu hướng tham quan gắn liền với những suy nghĩ, cảm nhận về cái chết, về thảm họa hoặc những yếu tố tâm lý khác thường, thậm chí ghê rợn.
“Du lịch đen” đòi hỏi du khách phải tinh tế
Gần đây, cách ứng xử của một bộ phận du khách đến thăm các địa điểm “du lịch đen” đã bắt đầu khiến dư luận phản ứng. Phóng viên người Mỹ Jason Feifer còn lập hẳn một blog chuyên bàn về “du lịch đen”, trong đó đăng tải những bức hình “tự sướng” vô duyên của du khách.
Chẳng hạn, ở đài tưởng niệm đặt tại Berlin nhằm tưởng nhớ những người Do Thái đã chết trong nạn diệt chủng, một du khách trẻ tuổi đã chụp bức hình trong đó cậu giơ ngón tay cái lên thể hiện sự thích thú.
Những hành động vô duyên, những cách thể hiện cảm xúc không đúng chỗ của khách du lịch vẫn thường xảy ra ở những địa điểm “du lịch đen” bởi không phải tất cả họ đều biết rằng đằng sau nơi họ vừa đặt chân đến là những câu chuyện bi kịch.
Không phải tất cả những người thích “du lịch đen” đều có đủ hiểu biết, kiến thức để đánh giá đúng tầm vóc cũng như ý nghĩa văn hóa - lịch sử của địa danh mình vừa đặt chân đến.
Phóng viên Jason Feifer cho rằng: “Đa số khách du lịch tìm tới những địa điểm này đơn thuần bởi sự tò mò, hiếu kỳ. Tôi thường đến Ground Zero, nơi từng xảy ra vụ tấn công tòa tháp đôi, lần nào đến đây tôi cũng thấy khách du lịch thoải mái chụp hình “tự sướng”, cười nói vui vẻ. Thật kỳ khôi. Họ chỉ đến đó, ngó nghiêng cho thỏa trí tò mò một lúc, chụp hình để chứng tỏ: “Ta đã ở đây” và rồi họ chẳng biết làm gì nữa”.
Anh Mark Watson, giám đốc một công ty chuyên tổ chức các tour “du lịch đen” cho rằng: “Ở những địa điểm tham quan lịch sử như trại tập trung người Do Thái Auswchitz ở Ba Lan hay đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ở Nhật Bản, nếu du khách thực sự hiểu về lịch sử, họ sẽ có được sự nhạy cảm cần thiết để biết nên hành động thế nào, để không làm tổn thương những người dân địa phương”.
Bích Ngọc_dantri
Theo Guardian
Comments[ 1 ]
Cảm ơn Admin đã chia sẻ, nhất định mình sẽ đến đây một lần.
..............................................................
Một địa điểm ăn uống ngon mà lại rẻ tại Đà Lạt
Quán Ốc Đà Lạt
Post a Comment